GIỎ HÀNG (0)

"Mẹo" sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam cho thí sinh thi quốc gia

18-06-2016, 10:38 am
(GDVN) - Atlat Địa lý Việt Nam được coi là cuốn sách giáo khoa Địa lý thứ hai, là “tài liệu” duy nhất mà học sinh được mang vào phòng thi trong tất cả các kỳ thi.
Nếu như sách giáo khoa Địa lí được viết chủ yếu bằng kênh chữ thì Atlat Địa lý Việt Nam là cuốn được viết bằng kênh hình, được xây dựng dựa trên chương trình địa lý Việt Nam. 

Với kinh nghiệm nhiều năm ôn luyện học sinh giỏi, ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp, thi THPT quốc gia, thầy giáo Lê Quốc Châu (hiện đang là giáo viên Địa lý trường THPT Cù Huy Cận, tỉnh Hà Tĩnh) gợi ý cách sử dụng Atlat địa lý Việt Nam khi làm bài thi, đặc biệt đối với các em học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. 
Atlat Địa lý Việt Nam thực chất là tập bản đồ, một tập nhiều bản đồ sắp xếp lại với nhau, được viết bằng kí hiệu, màu sắc, bản đồ, bảng số liệu… Atlat Địa lý Việt Nam và đề thi THPT quốc gia môn Địa lý được cấu trúc phù hợp với các đơn vị sách giáo khoa Địa lý lớp 12 nên thí sinh cần nắm rõ điều này. 
 
Atlat là “tài liệu” duy nhất mà học sinh được mang vào phòng thi trong tất cả các kỳ thi. (Ảnh: Giáo dục và thời đại)
Theo thầy Châu: Nếu sách giáo khoa Địa lý lớp 12 được cấu trúc thành 4 đơn vị kiến thức cơ bản là: Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư, Địa lí các ngành kinh tế, Địa lí các vùng kinh tế thì Atlat Địa lý Việt Nam cũng được cấu trúc tương tự như vậy. 

Trong Atlat Địa lí Việt Nam chia thành: 

- Phần 1: Địa lí tự nhiên (từ trang 4 đến trang 14).

- Phần 2: Địa lý dân cư (từ trang 15 đến trang 16).

- Phần 3: Địa lý các ngành kinh tế (từ trang 17 đến trang 25).

- Phần 4: Địa lý các ngành kinh tế (từ trang 26 đến trang 30). 

Năm 2016, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ không công bố đề thi minh họa THPT quốc gia. Đề thi năm 2016 về cơ bản ổn định như năm 2015, vì vậy thí sinh có thể tham khảo đề minh họa năm ngoái.

Dựa vào đề thi năm 2015 cho thấy, đề thi THPT quốc gia môn Địa lý gồm 4 câu tập trung vào các vấn đề sau: 

- Câu 1: Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư

- Câu 2: Kiểm tra kỹ năng sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam.

- Câu 3: Kiểm tra kỹ năng xử lý số liệu, tính toán, vẽ, nhận xét và giải thích biểu đồ.

- Câu 4: Địa lí ngành, Địa lí vùng kinh tế Việt Nam. 

Thầy Lê Quốc Châu khuyên rằng: Atlat Địa lý Việt Nam được coi là “tài liệu” duy nhất mà học sinh được sử dụng trong kỳ thi THPT quốc gia nên khi làm bài thí sinh cần tận dụng hết những gì trong Atlat có để có thể giành điểm cao: 

Khi làm bài câu 1, học sinh chỉ cần dựa vào Atlat từ trang 4 đến trang 14, câu 2 thì nên dựa vào toàn bộ cuốn Atlat, câu 3 vẽ biểu đồ nên các em có thể tham khảo các biểu đồ kèm theo trong Atlat còn câu 4 thì thí sinh dựa vào Atlat từ trang 26 đến trang 30 và kết hợp với các trang khác. 

Những nội dung không có trong Atlat, buộc thí sinh phải học đó là: vai trò của ngành nông nghiệp-công nghiệp, các định hướng phát triển kinh tế-xã hội, các giải pháp....

Cách tận dụng toàn bộ thông tin trong Atlat Địa lý Việt Nam để làm bài thi tốt: 

- Đọc kỹ bảng chú giải (nằm ở trang đầu Atlat và trong mỗi trang Atlat cũng có bảng kí hiệu riêng). Đọc kỹ bảng chú giải để biết những đối tượng địa lí nào được thể hiện trên biểu đồ, cách thức thể hiện ra sao, bằng màu sắc, kí hiệu hình học, tượng hình hay bằng chữ viết.

- So sánh, đối chiếu kí hiệu, màu sắc ở bảng chú giải với từng kí hiệu, màu sắc trên mỗi bản đồ trong Atlat. Từ đó, rút ra nhận xét về thực trạng, về phân bố các đối tượng địa lí trên bản đồ.

- Sử dụng kết hợp nhiều trang Atlat để trả lời một câu hỏi trong đề thi. 

Ví dụ, giải thích vì sao Đồng bằng sông Cửu Long lại trở thành vựa lúa số 1 cả nước, thí sinh cần sử dụng Atlat trang về vùng Đồng bằng sông Cửu Long (trang 29) kết hợp các bản đồ địa hình, đất đai, sông ngòi, khí hậu, động thực vật thì mới có câu trả lời thấu đáo, trọn vẹn nhất. 

- Khai thác kiến thức, số liệu từ các biểu đồ trong Atat. Trong Atlat có rất nhiều loại biểu đồ. Các biểu đồ vừa là hình vẽ để thí sinh tham khảo khi vẽ các loại biểu đồ mà đề thi yêu cầu, vừa cung cấp các số liệu. 

Thí sinh chỉ cần tính toán, xử lý số liệu, nhận xét số liệu thì sẽ ra ngay phần kiến thức về thực trạng, xu thế phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, phần này, không cần học thuộc sách giáo khoa mà chỉ cần kỹ năng sử dụng Atlat cho tốt, cho thành thạo là được.

Muốn sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam thành thạo buộc học sinh phải chăm chỉ học trên Atlat, luyện đề, giải đề theo từng trang, có bộ câu hỏi về kỹ năng sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam. 
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/
Tags Tags:
Tin tức khác
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN KHUYẾN MẠI HOẶC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Cổ phần Thiết bị Tràng An
showroom1

TRỤ SỞ CHÍNH

P211, Tòa B, TTTM Golden Land, 275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, HN
Điện thoại: 024 7308 6633
Fax : 024 7308 4736
Email : trangan.edu@gmail.com
showroom2

CHI NHÁNH MIỀN NAM

Số 61/62 Thạch Lam, Hiệp Tân, Tân Phú, TP.HCM
Điện thoại: 0982.56.98.89
Fax: 028 7300 6118
Email : trangan.edu@gmail.com
Copyright © 2014 - 2016. All Rights Reserved by Trangan.edu.vn