Như bạn có thể thấy ở bảng thông số dưới đây, sự phân biệt khá rõ ràng về số nhân và số luồng trên desktop đã không còn. Khi đặt chân lên laptop, toàn bộ các dòng chip cao cấp của Intel đều có bản 2 nhân.
Bạn đọc có thể tìm hiểu sâu hơn về các khái niệm số nhân, Hyper-Threading, Turbo-Boost và dung lượng cache trong bài viết về Core trên desktop nhưng nhìn chung chúng bao gồm:
- Càng nhiều nhân thì chip càng mạnh mẽ, nhưng tùy theo nhu cầu của bạn chip 2 nhân có thể là vừa đủ.
- Hyper-Threading sẽ tách 1 nhân vật lí thành 2 nhân logic, song sự chênh lệch về hiệu năng thường chỉ vào mức 20%.
- Turbo-Boost cho phép chip Intel thay đổi xung nhịp để phù hợp với yêu cầu tính toán. Xung nhịp càng cao thì mức độ tiêu thụ pin và tỏa nhiệt cũng càng cao.
- Cache là bộ nhớ đệm giữa CPU và RAM. Cache càng cao thì CPU càng ít phải lấy dữ liệu từ RAM, giúp tăng tốc độ xử lí.
Sau đây, hãy cùng đi sâu tìm hiểu về chip Core trên laptop.
Sự phân biệt không rõ ràng giữa các dòng chip Core trên laptop
Ở phân khúc giá thấp, chip Core i3 trên laptop chỉ có 2 nhân và không hỗ trợ Turbo Boost để tăng xung nhịp theo nhu cầu xử lí. Chip Core i3 trên laptop có hỗ trợ Hyper-Threading, do đó bạn sẽ thấy 2 nhân vật lí và 2 nhân logic khi mở Task Manager.
Tất cả các mẫu chip Core i5 và Core i7 trên laptop đều hỗ trợ Turbo Boost, nhưng cũng bắt đầu từ đây mọi thứ trở nên rối loạn. Phần lớn chip Core i5 chỉ có 2 nhân xử lí (có Hyper-Threading), số lượng Core i5 có 4 nhân xử lí (không hỗ trợ Hyper-Threading) trên laptop là khá ít. Các chip Core i7 có trên laptop có thể có 2 nhân hoặc 4 nhân, tất cả đều hỗ trợ Hyper-Threading. Nhìn chung, laptop chơi game hoặc workstation thường có Core i7 lõi tứ, còn laptop doanh nhân thường dùng Core i7 lõi kép.
Cuối cùng, Core i3 trên laptop thường chỉ có 3 MB cache, Core i5 có từ 3 MB hoặc 4 MB cache còn Core i7 có từ 6 MB đến 8 MB cache.
Ngay cả khi chưa bàn tới sức mạnh đồ họa thì cách phân biệt sản phẩm này của Intel đã là đủ phức tạp. Song, để đưa ra quyết định mua sắm, bạn vẫn cần suy nghĩ kĩ về nhu cầu của mình: nếu chỉ cần làm việc văn phòng và lướt web, hãy chọn Core i3. Hiệu năng của Core i5 và Core i7 lõi kép vượt trội hơn nhưng vẫn không đủ để chơi game, do đó nếu nhu cầu của bạn có "nặng ký" hơn một chút so với thông thường, ví dụ như code hoặc Photoshop, bạn có thể mua laptop chạy Core i5 và ưu tiên hơn vào RAM.
Nếu chơi game hoặc cần chỉnh sửa video, bạn buộc phải tìm tới các model laptop có sử dụng Core i7 lõi tứ.
Đa dạng lựa chọn chip tầm trung:
Có quá nhiều mẫu laptop mang danh là chạy Core i5 và Core i7 nhưng lại không đủ sức mạnh cho người dùng cần hiệu năng tuyệt đối. Thật may mắn là bạn có thể dễ dàng tránh các dòng laptop "tưởng mạnh mà yếu" này bằng cách nhìn vào kí tự ở cuối tên chip: nếu có kí hiệu U, UM hoặc Y, đây chắc chắn là chip 2 nhân tiết kiệm điện và do đó có hiệu năng thấp kém. Bù lại, chúng giúp cho laptop của bạn giữ được pin lâu hơn, chạy mát hơn và do đó cũng thường được sử dụng trên các mẫu laptop siêu mỏng.
Điều này đặt ra một câu hỏi: trên laptop thì bạn nên chọn chip Core i3, Core i5-U hay Core i7-U khi chúng đều có 2 nhân 4 luồng? Nhìn chung, chip dòng cao hơn vẫn sẽ mạnh mẽ hơn chip đời thấp. Ví dụ, Core i7-U có thể tăng xung nhịp lên mức cao hơn Core i5-U và cũng có dung lượng cache lớn hơn. Song, bạn vẫn cần lưu ý rằng ngay cả các con chip Core i7 lõi kép mạnh nhất vẫn không đủ sức mạnh để chiến game "đỉnh" ở mức độ thỏa mãn.
Chip Core lõi tứ trên laptop:
Với Skylake, số lượng Core i5 lõi tứ trên laptop bỗng gia tăng đáng kể so với trước đây. Ví dụ, các laptop có sử dụng Core i5-6300HQ, i5-6350HQ và i5-6440HQ đều sẽ mang lại hiệu năng vượt trội so với Core i7-6500U. Trong các mẫu Core i5 kể trên, i5-6440HQ có xung nhịp cao nhất ở mức 2.6 GHz-3.5 GHz; 6300HQ và 6350HQ có cùng xung nhịp nhưng bản 6350HQ lại có đồ họa Iris.
Nhìn chung, nguyên tắc ở đây là khá đơn giản: hãy tìm các mẫu laptop có chữ "HQ" ở cuối tên chip. Kí tự H chỉ các dòng chip hiệu năng cao còn kí tự Q chỉ chip lõi tứ, do đó thực chất ngay cả chip có kí hiệu UQ và QM cũng sẽ có hiệu năng đủ tốt để chơi game, dù rằng chúng thường thua kém các mẫu HQ cùng số.
Các mẫu laptop chơi game cao cấp nhất thường dùng Core i7-HQ với 4 nhân vật lí và 4 nhân ảo. Bạn thậm chí còn có thể mua những chiếc laptop "khủng" nhất chạy chip Core i7-6820HK để ép xung, nhưng nếu đã có nhu cầu mạnh mẽ tới vậy có lẽ bạn nên chuyển sang desktop cho hợp lí.
Đồ họa Intel HD và Iris:
Nếu chỉ chơi game cũ thì Iris có thể đáp ứng nhu cầu của bạn.
Nếu có ý định chơi game trên laptop, bạn nên đầu tư vào các dòng có card đồ họa rời như ASUS ROG hay MSI. Nhưng, nếu không quá chú trọng vào đồ họa và chỉ cần chơi các tựa game "bình dân" như WOW, DOTA2, LOL hoặc các tựa game AAA cũ kĩ như Skyrim, bạn vẫn có thể trông chờ vào đồ họa Iris trên chip Intel Core. Hãy tìm các mẫu chip có GPU Iris 580, 550 hoặc 540.
Đồ họa Intel HD Graphics 520 và 530 cũng đủ sức mạnh để chơi video 4K nhưng vẫn thua kém Iris khá nhiều. Bạn có thể xem bảng dưới đây để ước tính về sức mạnh của các GPU tích hợp trên chip Intel:
Cần phải lưu ý rằng xung nhịp nhân không quan trọng bằng số lượng đơn vị xử lí. Tùy thuộc vào tựa game, 48 EU trên Iris 540 có thể mang tới hiệu năng đồ họa cao hơn 35% so với 24 EU trên HD 520.
Lời kết:
Cách gọi tên sản phẩm của Intel là không hề đơn giản. Bạn có thể phân biệt các dòng Core trên desktop một cách dễ dàng, nhưng với laptop mọi thứ sẽ trở nên rối loạn hơn rất nhiều. Tình cảnh này sẽ không sớm thay đổi trong nay mai, do đó bạn cần đặc biệt lưu ý tới các kí hiệu có trên tên chip để nhận định liệu chiếc laptop sắp mua có phục vụ đầy đủ cho nhu cầu của mình hay không.
Theo VnReview.